Nội dung: |
- Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xây dựng Kế hoạch xét tuyển viên chức vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, cạnh tranh và đúng pháp luật.
Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ban hành Quyết định thành lập Hội đồng xét tuyển viên chức.
- Bước 2:Thông báo xét tuyển của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải được đăng tải ít nhất 1 (một) lần trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo nói, báo hình) của tỉnh; đăng trên trang thông tin điện tử của tỉnh và niêm yết công khai tại trụ sở chính làm việc của Sở Nội vụ – cơ quan thường trực Hội đồng xét tuyển viên chức của tỉnh, của cơ quan, đơn vị có nhu cầu xét tuyển viên chức trong thời hạn nhận hồ sơ của người đăng ký dự tuyển quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.
Nội dung thông báo xét tuyển bao gồm:
+ Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển;
+ Số lượng viên chức cần tuyển theo từng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp tương ứng;
+ Nội dung hồ sơ đăng ký dự tuyển, thời hạn và địa điểm nộp hồ sơ dự tuyển, số điện thoại liên hệ;
+ Hình thức và nội dung xét tuyển; thời gian và địa điểm xét tuyển;
- Bước 3: Thời hạn nhận hồ sơ của người đăng ký dự tuyển ít nhất là 20 ngày làm việc kể từ ngày thông báo xét tuyển công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Bước 4:Chậm nhất 10 ngày làm việc trước ngày tổ chức xét tuyển, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải lập danh sách người đủ điều kiện dự tuyển để niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Sở Nội vụ - cơ quan thường trực Hội đồng thi tuyển viên chức của tỉnh, của cơ quan, đơn vị có nhu cầu thi tuyển viên chức và thông báo trên trang điện tử của tỉnh.
- Bước 5:Tổ chức xét tuyển
1. Các bước chuẩn bị tổ chức xét tuyển:
a. Trước ngày tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành ít nhất 15 ngày, Hội đồng xét tuyển gửi thông báo triệu tập thí sinh dự phỏng vấn hoặc thực hành, thông báo cụ thể thời gian, địa điểm tổ chức ôn tập (nếu có) và địa điểm tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành cho các thí sinh có đủ điều kiện dự xét tuyển;
b. Trước ngày tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành 01 ngày, Hội đồng xét tuyển niêm yết danh sách thí sinh theo số báo danh và theo phòng tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành, sơ đồ vị trí các phòng, nội quy xét tuyển tại địa điểm tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành;
c. Trước ngày tổ chức xét tuyển ít nhất 01 ngày, Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng xét tuyển phải hoàn thành các công tác chuẩn bị cho kỳ xét tuyển: Chuẩn bị các mẫu biểu liên quan đến tổ chức xét tuyển: danh sách thí sinh để gọi vào phỏng vấn hoặc thực hành; danh sách để thí sinh ký xác nhận sau khi phỏng vấn hoặc thực hành; mẫu biên bản giao, nhận đề, mẫu biên bản mở đề, mẫu biên bản để xử lý vi phạm quy chế xét tuyển; mẫu biên bản bàn giao kết quả phỏng vấn hoặc thực hành và mẫu biên bản tạm giữ các giấy tờ, vật dụng của thí sinh vi phạm quy chế xét tuyển; chuẩn bị thẻ cho các thành viên Hội đồng xét tuyển, Ban kiểm tra, sát hạch, bộ phận phục vụ kỳ xét tuyển. Thẻ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng xét tuyển, Trưởng ban kiểm tra, sát hạch in đầy đủ họ tên và chức danh. Thẻ của các thành viên khác chỉ in chức danh.
2. Tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành:
a. Chủ tịch Hội đồng xét tuyển tổ chức chọn đề phỏng vấn hoặc thực hành, bảo đảm đề phòng vấn mỗi vị trí cần tuyển phải có số dư ít nhất là 02 đề so với số thí sinh dự tuyển của vị trí việc làm cần tuyển, được nhân bản để thí sinh bốc thăm;
b. Nội dung đề phỏng vấn hoặc thực hành phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cần tuyển; kết cấu đề phỏng vấn hoặc thực hành phải bảo đảm tính chính xác, khoa học. Mỗi đề phỏng vấn hoặc thực hành phải có đáp án và thang điểm chi tiết. Đề phỏng vấn hoặc thực hành phải được đóng trong phong bì, niêm phong và bảo quản theo chế độ tài liệu mật; việc giao nhận, mở đề phỏng vấn hoặc thực hành đều phải lập biên bản theo quy định;
c. Khi chấm điểm phỏng vấn hoặc thực hành, các thành viên chấm độc lập. Nếu điểm của 02 thành viên chấm chênh lệch nhau từ 10% trở xuống so với điểm tối đa thì lấy điểm bình quân, nếu chênh lệch trên 10% so với điểm tối đa thì các thành viên chấm phỏng vấn hoặc thực hành trao đổi để thống nhất, nếu không thống nhất được thì chuyển kết quả lên Trưởng ban kiểm tra, sát hạch để báo cáo Chủ tịch Hội đồng xét tuyển quyết định;
d. Kết quả chấm phỏng vấn hoặc thực hành phải được tổng hợp vào bảng kết quả có chữ ký của các thành viên chấm phỏng vấn hoặc thực hành và bàn giao cho Trưởng ban kiểm tra, sát hạch.
* Xác định người trúng tuyển
- Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn hoặc thực hành, mỗi loại đạt từ 50 điểm trở lên;
+ Có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
- Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả thi bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người điểm phỏng vấn hoặc điểm thực hành cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm phỏng vấn hoặc điểm thực hành bằng nhau thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động;
b) Thương binh;
c) Người hưởng chính sách như thương binh;
d) Con liệt sĩ;
đ) Con thương binh;
e) Con của người hưởng chính sách như thương binh;
g) Người dân tộc ít người;
h) Đội viên thanh niên xung phong;
i) Đội viên tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ;
k) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự;
l) Người dự tuyển là nữ.
- Trường hợp vẫn không xác định được người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên quy định nêu trên thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.
- Không thực hiện bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.
3. Tổng hợp kết quả xét tuyển:
a. Sau khi tổ chức phỏng vấn hoặc thực hành, Trưởng ban kiểm tra, sát hạch bàn giao kết quả phỏng vấn hoặc thực hành của các thí sinh dự xét tuyển cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng xét tuyển;
b. Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng xét tuyển có trách nhiệm tổng hợp kết quả xét tuyển của các thí sinh trên cơ sở điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn hoặc thực hành để báo cáo Hội đồng xét tuyển;
c. Chủ tịch Hội đồng xét tuyển báo cáo người có thẩm quyền xem xét quyết định công nhận kết quả xét tuyển.
- Bước 6: Thông báo kết quả và nhận đơn phúc khảo (nếu có);
- Bước 7:Ký kết Hợp đồng làm việc. |